Thành viên Bộ_Chính_trị_Ban_Chấp_hành_Trung_ương_Đảng_Cộng_sản_Việt_Nam

Số ủy viên trong Bộ Chính trị không nhất định nên có thể thay đổi. Vì nội quy thay đổi không được công bố nên quyết định số ủy viên được xem là quyết định kín.

Bộ Chính trị có 13 thành viên vào năm 1976 khi thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến năm 2016 thì tăng lên thành 19.

Trong số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Tổng Bí thư. Trước đây Ban Chấp hành Trung ương còn bầu ra chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương, nhưng hiện nay không còn chức vụ này nữa, người giữ chức vụ này duy nhất là Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một ủy viên Bộ Chính trị đảm nhận chức danh Thường trực Ban Bí thư.

Theo cơ cấu trong Đảng, các ủy viên Bộ Chính trị giữ tất cả những cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (nhưng không phải trong mọi trường hợp: như các ông Hoàng Minh Giám, Ung Văn Khiêm, Xuân Thủy, Nguyễn Dy Niên không ở trong Bộ Chính trị).

Các ủy viên Bộ Chính trị khác giữ những cương vị chủ chốt của bộ máy đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng (đảm nhiệm công tác tổ chức, cán bộ), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (kiểm tra tổ chức đảng, tư cách đảng viên, chống tham nhũng), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng khá thường xuyên xuất hiện trong Bộ Chính trị.

Hiện nay, các ủy viên Bộ Chính trị giữ các cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hộiThường trực Ban Bí thư được gọi là các cán bộ chủ chốt của Đảng Nhà nước hay trước đây còn được gọi là Thường trực bộ chính trị. Các ủy viên Bộ Chính trị này được gọi là các ủy viên Bộ Chính trị phụ trách chung, để phân biệt với các ủy viên Bộ Chính trị phụ trách lĩnh vực. Quyền hạn của ủy viên Bộ Chính trị (cũng như quyền hạn ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ban Bí thư) được quy định trong văn bản quy chế của Đảng. Các ủy viên Bộ Chính trị giữ các cương vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội có quy định riêng. Quyền hạn của Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư được quy định riêng.

Tổng Bí thư là người đứng đầu toàn Đảng, là cấp trên của Bí thư cấp ủy, tổ chức đảng,[2] là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và thay mặt Ban Chấp hành Trung ương chủ trì công việc ba cơ quan quan trọng nhất trong hệ thống tổ chức của Đảng: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, là nhân vật quyền lực cao nhất.

Chủ tịch nước kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, là nhân vật quyền lực đứng ở vị trí thứ hai trong Đảng.

Thủ tướng Chính phủ kiêm Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

Chủ tịch Quốc hội kiêm Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các chức danh này có nhiệm vụ theo Hiến pháp (chịu sự lãnh đạo của các cơ quan Đảng), quyền hạn do Ban Chấp hành Trung ương giao theo quy chế và phân công công tác của Bộ Chính trị.

Các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội thường không kiêm nhiệm trong Ban Bí thư (thiết chế quyết định một số vấn đề quan trọng và giám sát bộ máy Nhà nước).

Theo quy định hiện hành thì Tổng Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số các ủy viên Bộ Chính trị. Các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là các ủy viên Bộ Chính trị, do Ban Chấp hành Trung ương đề cử, Quốc hội phê chuẩn. Thường trực Ban Bí thư do Bộ Chính trị phân công.

Theo quy định của đảng năm 2011, đối với các chức danh thuộc Nhà nước và các đoàn thể cấp trung ương, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu 3 chức danh: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội bầu; "tham gia ý kiến" về nhân sự Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội và các thành viên Chính phủ. Trong khi Bộ Chính trị giới thiệu các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị quản lý để Chính phủ trình Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội bầu. Ban Bí thư giới thiệu các chức danh thuộc diện Ban Bí thư quản lý để Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội bầu.

Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý hầu hết là ủy viên trung ương trở lên, còn cán bộ Ban Bí thư quản lý thường dưới một cấp hoặc thủ trưởng thuộc cơ quan, tổ chức ít quan trọng hơn. Do nhiều cán bộ đảm nhiệm nhiều cương vị nên nhiều cán bộ vừa thuộc Bộ Chính trị vừa thuộc Ban Bí thư quản lý.

Điều lệ Đảng sửa đổi, bổ sung năm 2011 ngoài có quy định mới về quyền hạn của Ban Chấp hành trung ương, cũng quy định về Quân ủy Trung ương, phân định rạch ròi quyền Quân ủy Trung ương (do Tổng Bí thư đứng đầu), với cơ quan Nhà nước (Hội đồng Quốc phòng và an ninh - do Chủ tịch nước đứng đầu, Chính phủ...) trong lĩnh vực quốc phòng. Theo quy định hiện nay nhân sự Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương gồm một số cán bộ trong ngành và ngoài ngành do Bộ Chính trị chỉ định. Điều lệ cũng quy định rõ Tổng Bí thư và bí thư cấp ủy đảng địa phương đứng đầu đảng ủy quân sự cùng cấp, thể hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.

Các tổ chức đảng quan trọng như Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy công an Trung ương, Đảng đoàn Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,...và một số tổ chức đảng quan trọng khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Bí thư và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Chính phủ do Bộ Chính trị chỉ định, Bí thư và các thành viên Đảng đoàn Mặt trận, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao, các bộ ngành do Ban Bí thư chỉ định.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bộ_Chính_trị_Ban_Chấp_hành_Trung_ương_Đảng_Cộng_sản_Việt_Nam http://nld.com.vn/thoi-su/giai-the-bcd-tay-nguyen-... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-da... http://daihoi11.dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/Ne... http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-b... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZRZj6JA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTLjqJA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTLkqIw... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTZcqJA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTbjqJA... http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/v...